Những cái ôm siết, những dòng nước mắt vì vui mừng và xúc động đã tuôn chảy trong không khí đoàn tụ.
Lực lượng đã hỗ trợ đưa 9 ngư dân Lý Sơn cùng thuyền cá QNg – 66478 cập cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) là Cảnh sát biển (6006) thuộc lực lượng Cảnh sát biển Vùng 2 (Cục Cảnh sát biển)
Bà Phạm Thị Lan, vợ của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, cùng những người thân, gia đình của những ngư dân khác từ sáng sớm đã đón tàu cao tốc từ Lý Sơn vào Dung Quất để chờ những người con, chồng, cha của họ trở về.
Khi tàu chở các ngư dân vừa cập cảng, bà Phạm Thị Lan với đôi chân trần, bộ đồ nhàu nát, tay ôm túi xách, khuôn mặt phờ phạc, mệt mỏi sau những ngày tháng khắc khoải chờ tin chồng con đã chạy lại ôm chầm lấy chồng - thuyền trưởng Mai Phụng Lưu.
Chị Phạm Thị Lành, vợ ngư dân Bùi Quang Minh (28 tuổi), ôm đứa con nhỏ 5 tháng tuổi cũng đi từ Lý Sơn ra đón chồng. Nhìn thấy chồng vừa bước xuống tàu, chị Lành bật khóc, đứa con cũng bật khóc theo. Chị Lành cho biết cả đêm qua chị trằn trọc không ngủ được, chờ mong đến sáng để bế con ra cảng Dung Quất đón anh Minh
Bà Võ Thị Tươi, mẹ của ngư dân Bùi Văn Hải, đội chiếc nón lá rách tươm đứng ở cầu cảng chờ nhìn thấy mặt con. Khi anh Hải bước xuống tàu, bà chạy lại ôm chầm lấy con và khóc nức nở. Bà tâm sự những tưởng không còn cơ hội nhìn thấy mặt đứa con trai yêu dấu nữa, không ngờ lại có dịp đoàn tụ như ngày hôm nay.
Nhiều đại diện cơ quan, ban ngành tỉnh Quảng Ngãi cũng có mặt, mừng vui đón tiếp các ngư dân.
Sau đây là tường thuật ngày trở về đất liền của 9 ngư dân:
13g: một số ngư dân đã cùng gia đình di chuyển về quê.
11g45 Sau cuộc gặp gỡ trưa nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi có quyết định khen thưởng, tặng bằng khen cho Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao, cán bộ chiến sĩ tàu 6006 thuộc lực lượng Cảnh sát biển Vùng 2 (Cục Cảnh sát biển) vì đã đưa ngư dân về đất liền an toàn.
Ngoài ra lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tặng mỗi ngư dân 10 triệu đồng/ người.
11g15, buổi lễ đón của chính quyền đã diễn ra ấm cúng và xúc động. Lãnh đạo tỉnh đã khen ngợi tinh thần bám biển, vượt qua khó khăn của 9 ngư dân, tỉnh sẽ hỗ trợ ngư dân hết sức để ngư dân tiếp tục hành nghề.
Đại diện cho các ngư, thuyền trưởng Mai Phụng Lư đã cám ơn Chính phủ, Bộ ngoại giao và chính quyền các cấp ,các ngư dân đã tạo mọi điều kiện để ngư dân trở về đoàn tụ với gia đình. Thuyền trưởng cũng khẳng định sẽ sửa tàu thuyền và tiếp tục bám ngư trường đã nuôi sống người dân Lý Sơn từ bao đời nay.
11g05: UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đưa 9 ngư dân và ngưới thân của họ qua hội trường để đón tiếp.
9 ngư dân Lý Sơn đang trên đường trở về
Phóng to |
Giây phút trùng phùng tại cầu cảng Dung Quất của vợ chồng ngư dân Mai Phụng Lưu - Ảnh: Trà Minh |
Phóng to |
Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, lão ngư Nguyễn Đảng vui mừng chào đón thượng tá Lý Ngọc Minh – Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng cảnh sát biển vùng 2 lên tàu cá thăm hỏi các ngư dân - Ảnh: Tấn Vũ – Đăng Nam |
Chị Phạm Thị Lành bồng con ra đứng đưới chân cầu Dung Quất để đón chồng trở về sau chuyến đi dài - Ảnh: Đ.Nam |
Phóng toTàu cập bờ, ngư dân Mai Phụng Lưu choàng thêm chiếc áo mới vừa được lực lượng cảnh sát biển Việt Nam trao tặng để gặp mặt người thân - Ảnh: ĐĂNG NAM - TẤN VŨÁnh mắt bà Lan vọng theo chiếc tàu của chồng vừa về bến - Ảnh: ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
Vừa về đến bờ, ngư dân Nguyễn Đáng ôm chầm lấy đứa con gái mới lên 6 tuổi vào lòng - Ảnh: ĐĂNG NAM - TẤN VŨGiây phút yêu thương của cha con ngư dân Dương Dũng. Con trai anh mới được 2 tuổi - Ảnh: ĐĂNG NAM - TẤN VŨTrên chiếc tàu đánh cá , vị thuyền trưởng vẫy chào người thân đang chờ đợi mình trở về - Ảnh: ĐĂNG NAM - TẤN VŨPhút giao lưu của người thân - Ảnh: ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
10g30, tàu cập cảng Dung Quất để chính quyền tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đón. Hiện sức khỏe của các ngư dân cơ bản đã bình phục.
Nhiều khả năng chiều nay các ngư dân sẽ về Lý Sơn. Do ảnh hương của thời tiết, sóng tương đối lớn nên tàu gặp chút khó khăn khi cập cảng Dung Quất.
10g sáng nay (26-10), các ngư dân đã có bữa cơm thân mật cùng với thủy thủ đoàn của tàu cảnh sát biển (6006) thuộc lực lượng Cảnh sát biển Vùng 2 (Cục Cảnh sát biển). Tàu của ngư dân Lý Sơn được tiếp tế 2000 lít dầu, áo quần, phao và nước ngọt.
Đêm 25-10, rạng sáng ngày 26-10. tàu 6006 tiếp tục lai dắt tàu cá bị nạn tiến sâu vào hướng bờ. Hai ngư dân là Nguyễn Đáng và Dương Dũng được đưa lên tàu 6006 để các y bác sĩ chăm sóc sức khỏe. Theo lệnh chỉ huy, một lượng lương thực thực phẩm được chuyển sang tàu cá để các ngư dân nấu ăn.
8g45 sáng ngày 26-10, tàu 6006 cùng 9 ngư dân chỉ còn cách cách cảng Dung Quất đúng 10 hải lý. Theo kế hoạch đúng 11 sáng nay tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức lễ đón ngư dân ngay tại chân cầu cảng Dung Quất. Theo thượng tá Lý Ngọc Minh Phó chỉ huy trưởng Vùng cảnh sát biển 2: tàu 6006 sẽ chuyển 2000 lít dầu, cùng gạo nhu yếu phẩm cho tàu 9 ngư dân để họ quay trở về quê Lý Sơn
Ngồi bên boong tàu cảnh sát biển, ngư dân Nguyễn Đáng cho biết: đêm qua khi nằm trên tàu cá trên đảo Trụ Cẩu thì nghe đài tiếng nói Việt nam thông báo tàu CSB sẽ ra đón về mừng quá. Cả đêm không ngủ được.
6g sáng nay 26-10, hai con gà sống cùng rau xanh, gạo và thịt đã được chuyển sang tàu ngư dân bằng hệ thống ròng rọc níu giữa hai tàu với nhau. Phía bên kia, tiếng nói cười của các ngư dân hết sức rôm rả.
Phóng to |
Nỗi vui mừng tột độ khi 9 ngư dân Lý Sơn trên tàu QNg 66478 TS nhìn thấy tàu cảnh sát biển Việt Nam xuất hiện tại Hoàng Sa. Họ vẫy tay hân hoan chào đón. Ảnh: Đăng Nam - Tấn Vũ |
Phóng toBắt tay trao trả 9 ngư dân cùng tàu cá QNg 66478 cho Việt Nam - Ảnh: Tấn Vũ – Đăng Nam
Ngày 11-9-2010, tàu cá QNg-66478-TS của ngư dân Mai Phụng Lưu ở thôn Tây, xã An Hải bị Trung Quốc bắt giữ. Trên tàu có chín ngư dân hành nghề lặn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Huyện Lý Sơn đã báo cáo tỉnh, sau đó UBND tỉnh có công văn đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp nhưng phía Trung Quốc vẫn không trả tàu.
Ngày 6-10, phó chủ tịch UBND xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) Dương Nhựt cho biết tàu đánh cá QNg-66478-TS bị Trung Quốc bắt giữ ngày 11-9-2010 là của ngư dân Mai Phụng Lưu ở thôn Tây, xã An Hải. Trên tàu có chín ngư dân hành nghề lặn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ngư dân Mai Phụng Lưu bị Trung Quốc bắt lần này là lần thứ ba.
- Tháng 1-2009, trong khi hành nghề lặn ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, ngư dân Mai Phụng Lưu bị Trung Quốc tịch thu chiếc tàu đánh cá mang số hiệu QNg-66514-TS, cùng toàn bộ ngư cụ trị giá khoảng 700 triệu đồng.
- Trở về nhà, ông Lưu chạy vạy vay mượn mua chiếc tàu đánh cá QNg-66478-TS thì đến tháng 4-2010 lại bị Trung Quốc bắt, thu giữ toàn bộ ngư cụ, máy móc trên tàu trị giá hơn 100 triệu đồng, sau đó thả chiếc tàu cùng 11 ngư dân trở về địa phương.
- Ông Lưu đành phải vay mượn thêm tiền của bà con chòm xóm mua sắm máy móc, ngư cụ và đưa tàu ra khơi. Nhưng ngày 11-9, trong khi hành nghề ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, tàu của ông Lưu lại bị Trung Quốc bắt.
Ngày 12-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết tàu cá QNg-66478 TS và chín ngư dân Việt Nam "đã được thả chiều 11-10-2010. Dự kiến tàu cá và chín ngư dân nêu trên sẽ về đến nhà trong tối 12-10”. Tuy nhiên đến 23g ngày 12-10, các ngư dân vẫn bặt vô âm tín.
Đến 19g ngày 13-10, mọi thông tin liên lạc giữa đất liền và 9 ngư dân trên tàu QNg 66478 TS vẫn bị cắt đứt.
Đến 22g30 ngày 14-10, chính quyền huyện đảo Lý Sơn và người nhà các ngư dân trên tàu cá QNg 66478 TS vẫn chưa liên lạc được với họ.
13g15 ngày 15-10, hai người bán quán dọc bờ biển huyện đảo Lý Sơn la lớn: tàu về, tàu về. Người dân đổ nhanh ra bờ biển. Phóng viên của Tuổi trẻ đã thuê ngay thúng chai lắc ra tiếp cận chiếc tàu đang cập cảng. Nhưng đó không phải là QNg 66478 TS...
Đến 0g ngày 16-10, số phận 9 ngư dân Lý Sơn trên tàu cá QNg-66478 TS được Trung Quốc thả về mờ mịt.
Lúc 12g45 ngày 16-10-2010, đất liền đã bắt được liên lạc với thuyền trưởng Mai Phụng Lưu và những ngư dân Lý Sơn trên tàu QNg-66478. Tin từ con gái ông Lưu cho biết ông và các ngư dân đang trú tại một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).
Chiều 16-10, Bộ ngoại giao VN đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, và yêu cầu phía Trung Quốc xác minh và sớm thông báo cho phía VN để đưa ngư dân và tàu cá trở về an toàn.
17g30 (giờ VN) chiều 16-10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức xác nhận phía Trung Quốc đã đưa tàu cá QNg 66478 TS cùng 9 ngư dân VN vào một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tàu chưa thể về ngay vì thời tiết xấu. Bộ ngoại giao VN sẽ bàn bạc để đưa tàu trở về trong thời gian sớm nhất
21g tối 16-10, Lý Sơn không ngủ.
Chiều 20-10, tại cuộc họp báo quốc tế về hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đưa chín ngư dân của tàu cá QNg-66478 TS trở về Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết hiện nay tình hình thời tiết trên biển chưa an toàn cho ngư dân và tàu cá trở về.
Chiều 24-10, ông Võ Xuân Huyện, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết sẽ có 2 tàu của Việt Nam (1 tàu của cảnh sát biển và 1 tàu cứu hộ cứu nạn) ra đón 9 ngư dân, đồng thời huyện Lý Sơn cũng đang kêu gọi một số tàu thuyền của ngư dân ra Hoàng Sa cùng đón và đưa ngư dân trên tàu QNg-66478 về quê. Vị trí đón 9 ngư dân tại tọa độ 16 độ 30 phút độ vĩ bắc - 111 độ 06 phút độ kinh đông.
14g đến 15g chiều 25-10, phía Trung Quốc đã cử tàu ngư chính 46013 đưa tàu cá QNg 66478TS cùng 9 ngư dân bàn giao cho tàu cảnh sát biển 6006 của Việt Nam tại tọa độ 16, 30 độ Vĩ Bắc - 111,06 độ Kinh Đông trên vùng biển Hoàng Sa.
11 giờ trưa 26-10 tàu cảnh sát biển (6006) thuộc lực lượng Cảnh sát biển Vùng 2 (Cục Cảnh sát biển) đã đưa 9 ngư dân Lý Sơn cùng thuyền cá QNg – 66478 cập cảng Dung Quất (Quảng Ngãi).
Tiếp tục cập nhật
Phóng to |
Những đôi mắt đất liền vẫn ngong ngóng về phía biển chờ đợi người thân - Ảnh Đoàn Cường |
14g chiều 25-10, 2 phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt trên tàu Cảnh sát biển ở vùng biên Hoàng Sa (VN) để đón chín ngư dân Lý Sơn sau 44 ngày sóng gió.
16g30. Ngày 24-10. Báo Tuổi Trẻ nhận thông tin từ Sở chỉ huy Cảnh sát biển vùng 2 cho biết sẽ xuất phát ngay trong đêm để lên đường ra đảo Hoàng Sa (VN) làm nhiệm vụ đón 9 ngư dân trên tàu QNg 66478 của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu.
16g45. Tại cảng Tiên Sa. Tàu đã nhận lệnh sẵn sàng.
17g. Tàu cảnh sát biển 6006 bắt đầu nhổ neo rẻ sóng hướng ra biển đông, quần đảo Hoàng Sa ở tọa độ 16 độ 30 kinh Bắc, 111 độ 06 kinh Đông.
19g30. Tàu vượt ra cửa biển. Các con sóng lớn dội vào thân tàu dồn dập khiến con tàu lắc lư trong đêm tối mênh mông ở biển khơi.
21g. Sóng biển lại bình yên, mặt nước hiền hòa trở lại. Tàu cảnh sát biển 6006 đạt tốc độ trên 10 hải lý/giờ. Khuya, trăng lên cao, sóng biển hiền hòa, con tàu rẽ sóng vút trong đêm.
6g30. Tiếng chuông quen thuộc vang lên, tất cả thủy thủ đoàn tập hợp xuống boong tàu ăn sáng để chuẩn bị một ngày làm việc căng thẳng.
9g. Tàu cảnh sát biển tiến vào quần đảo Hoàng Sa (VN).
9g10. Bất ngờ trên mặt nước xuất hiện một vật khá lớn. Thuyền phó tàu cảnh sát biển, thiếu úy Doãn Đoàn Hồng Sơn quan sát qua ống nhòm cho biết đó là gỗ trôi từ tàu hàng trên biển.
10g27. Hai bên mạn tàu là nhiều vật dụng trôi lềnh bềnh trên biển, có cả giày dép và nhiều phao nổi. Theo lệnh của chỉ huy, con tàu giảm tốc độ còn 7,3 hải lý để tìm kiếm có người bị nạn hay không và cũng để đúng thời gian hẹn với phía Trung Quốc.
12g30. Tàu cảnh sát biển đến tọa độ 16 độ 28 phút 45 giây phía bắc, 110 độ 54 phút 30 giây phía đông. Tốc độ tàu đạt 7 hải lý/giờ và cách vị trí tiếp nhận 9 ngư dân cùng tàu cá là 11 hải lý. Tất cả các cán bộ, chiến sĩ và mọi người trên tàu đều trong tư thế sẵn sàng. Ai cũng nôn nao.
13g25. Một chấm trắng xuất hiện xa xa trên biển mênh mông.
13g30. Chấm trắng được xác định là tàu ngư chính Trung Quốc mang số hiệu 46013. Từ cabin, qua ống nhòm chúng tôi thấy phía đuôi tàu 46013 là tàu cá QNg 66478 đang được lai dắt.
13g45. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu cảnh sát biển đã chuẩn bị mọi công tác cho việc tiếp nhận tàu và ngư dân. Ai cũng làm việc nhiệt tình và phấn khởi.
13g50. Tàu canô của tàu cảnh sát biển được lệnh thả xuống biển chuẩn bị cho việc tiếp cận tàu ngư chính để tiếp nhận ngư dân đưa lên tàu. Chúng tôi quan sát thấy những ngư dân trên tàu cá QNg 66478 đều đứng trên boong tàu.
14g. Tiếng còi tàu cảnh sát biển kéo ba hồi dài liên tục. Một thủ tục chào thường thấy của các tàu trên biển.
14g10. Tàu canô của cảnh sát biển đã tiếp cận được tàu ngư chính 46013. Đoàn trên canô gồm 8 người, trong đó chỉ huy tàu, thượng tá Lý Ngọc Minh - đại diện lực lượng cảnh sát biển VN bước lên tàu ngư chính 46013.
14g20. Tàu ngư chính Trung Quốc tháo dây kéo tàu cá QNg 66478. Các ngư dân mừng rỡ khôn xiết ôm chầm lấy các chiến sĩ cảnh sát biển như là người nhà. Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu vui mừng cho biết, tối 24-10, ở trên tàu cá nghe đài tiếng nói VN phát bản tin thông báo được tàu cảnh sát biển ra tiếp nhận, mọi người đều reo mừng trong niềm vui và hạnh phúc.
14g30. Việc tiếp nhận 9 ngư dân và tàu cá QNg 66478 hoàn tất. Tàu cảnh sát biển lại hú ba hồi còi tàu.
14g45. Lương thực, thuốc men, quần áo từ tàu cảnh sát biển chuyển sang cho 9 ngư dân và tàu cá. Hai trong số 9 ngư dân có sức khỏe yếu nhất được chuyển sang chăm sóc tại tàu cảnh sát biển. 7 người còn lại trên tàu cá.
Háo hức đợi chờ
Nghe tin ngày 26-10 tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đón tiếp các ngư dân trở về, bà Phạm Thị Lan (vợ thuyền trưởng Mai Phụng Lưu) lập tức chuẩn bị vô đất liền.
“Hai ngày ni tui cứ khấp khởi đứng ngồi không yên chờ gặp mặt chồng con. Đi xúc đất thuê cũng không tập trung được nên bị đất bắn cả vô mắt, giờ vẫn còn đau nhưng nghĩ đến ngày mai tui lại thấy nhẹ nhõm” - bà Lan tâm sự.
Bà Võ Thị Tươi (42 tuổi), có con là Bùi Văn Hải (20 tuổi) cùng đi trên tàu của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, xúc động nói: “Mấy ngày ni cứ nghĩ đến lúc được gặp con là tui chẳng làm được gì. Chỉ mong nhanh cho đến lúc vào đất liền để gặp mặt con”.
Tương tự, chị Phạm Thị Lành (28 tuổi, vợ thuyền viên Bùi Văn Minh) cũng chuẩn bị đồ và ẵm đứa con 1 tuổi đi theo để vào đất liền đón chồng. “Từ ngày ấy tới giờ, chưa đêm nào tui ngủ yên giấc” - chị Lành tâm sự.
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Võ Xuân Huyện cho biết đã thông báo đến người nhà của chín ngư dân sáng nay cùng đi với lãnh đạo huyện vào đất liền để đón người thân tại cảng Dung Quất.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích, việc đón ngư dân sẽ tiến hành lúc 15g ngày 26-10. UBND tỉnh đã phân công Cảng vụ Quảng Ngãi phối hợp với biên phòng nắm lịch trình để đón và đưa tàu của ngư dân cập bến an toàn.
Đối với chính sách hỗ trợ, Sở Tài chính sẽ có đề xuất. Tỉnh cũng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp giúp đỡ ngư dân Mai Phụng Lưu sớm đưa tàu ra khơi.
Thanh Hóa: Vẫn chưa tìm thấy 9 ngư dân trên tàu câu mực Cuối giờ chiều 25- 10, ông Nguyễn Hải Năm - phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa)- cho biết đến nay là ngày thứ 10 chiếc tàu câu mực của gia đình anh Nguyễn Văn Hợp (số đăng ký là TH 90455 TS, công suất 110 CV) và 9 ngư dân địa phương đi câu mực ngoài khơi bị mất liên lạc hoàn toàn với đất liền. Mười tàu của ngư dân địa phương đã nỗ lực tìm kiếm chiếc tàu này và 9 ngư dân khắp vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An suốt những ngày qua nhưng vẫn chưa thấy. Ông Năm cho biết thêm: "Tàu của anh Hợp ra khơi từ ngày 19- 9. Theo đúng lịch trình anh Hợp báo về gia đình thì tàu sẽ cập bến Ngư Lộc vào tối 16- 10, sau gần một tháng câu mực ngoài khơi. Nhưng suốt mười ngày qua, tàu của anh Hợp cùng 9 ngư dân trên tàu mất liên lạc hoàn toàn với đất liền. Sau mười ngày tìm kiếm tàu, ngư dân bị mất tích, đến chiều 25- 10, mười chiếc tàu của ngư dân địa phương đã trở vào bờ, không tìm kiếm nữa vì đang có gió mùa đông bắc, thời tiết ngoài biển rất xấu. Hiện nay, gia đình nạn nhân đang rất hoang mang, lo lắng về số phận của 9 ngư dân bị mất tích. Ban tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đã thông báo về trường hợp tàu câu mực cùng 9 ngư dân mất tích này với cơ quan chức năng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình để phối hợp tìm kiếm..." Anh Nguyễn Văn Tân (trú tại thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc) - người đi câu mực trên một chiếc tàu khác, cùng đợt với tàu của anh Hợp kể lại: "Sáng 16- 10, anh Hợp dùng bộ đàm trao đổi với tàu chúng tôi và một số tàu của ngư dân Ngư Lộc là có rãnh thấp và tin về cơn bão Megi sẽ vào biển Đông. Lúc đó, biển bắt đầu có gió mạnh, sóng lớn, nên các tàu nhanh chóng chạy vào đất liền để tránh khu vực có thời tiết nguy hiểm. Đến khoảng 13 giờ ngày 16- 10, khi tàu của tôi chạy trước hướng về đất liền, còn tàu anh Hợp chạy sau, cách tàu của tôi khoảng 16 hải lý thì tôi mất liên lạc hoàn toàn với tàu anh Hợp. Theo kinh nghiệm của ngư dân chúng tôi, thì tàu của anh Hợp bị mất tích ở vị trí khoảng tọa độ 19 độ 32' N; 109 độ 48' E, trên vùng biển Thanh Hóa, cách bờ biển Ngư Lộc khoảng hơn 40 hải lý. Khi tàu chúng tôi chạy qua vùng biển này thì thời tiết rất xấu, sóng to, gió lớn, biển động mạnh..." |
* Tin bài liên quan:
Ngày mai Lý Sơn đón 9 ngư dân trở vềSẵn sàng điều tàu đón 9 ngư dânĐã có thông tin chính thức về 9 ngư dânĐêm vui xóm đảo Lý SơnCuộc gọi từ Hoàng Sa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận